Rủi ro do thuốc ngừa loãng xương
Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức 5 Năm trước
Biến chứng của loãng xương
Loãng xương (osteoporosis) là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích, giảm mật độ xương tức là tỷ trọng chất khoáng trong xương (BMD: bone meterial density). Nguyên nhân của loãng xương có thể do tuổi tác, tuổi càng cao thì nguy cơ loãng xương càng lớn, do canxi trong thức ăn không đủ để duy trì nồng độ canxi cần thiết trong máu, do suy giảm miễn dịch… Quá trình loãng xương xảy ra một cách từ từ, có diễn biến âm thầm, kéo dài trong nhiều năm.
Vì vậy, thời gian đầu chưa có biểu hiện gì rõ rệt, có thể có đau, nhức xương, mỏi không cố định, hay gặp ở cột sống lưng, dọc các chi, các đầu xương… Càng về sau, khi khối lượng khoáng chất bị mất ngày càng nhiều, các triệu chứng đau nhức nêu trên sẽ rõ ràng dần lên, tập trung nhiều hơn ở các vùng xương chịu lực của cơ thể như hông, thắt lưng, khớp gối. Loãng xương không gây nguy hiểm cấp như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh, đặc biệt gây thoái hóa xương khớp, nứt xương, gãy xương, nguy hiểm nhất là gãy cổ xương đùi, biến người bệnh trở thành tàn phế.
Cảnh giác với bất lợi của các thuốc ngừa loãng xương phổ biến hiện nay
Có rất nhiều loại thuốc ngăn ngừa loãng xương, được chia thành 2 nhóm gồm thuốc giúp tạo xương và thuốc ngăn ngừa hủy xương. Các thuốc thuộc 2 nhóm này đều có những rủi ro nhất định.
Canxi là thuốc giúp tạo xương nhưng lạm dụng có thể gây hại cho sức khỏe.
Với các thuốc giúp tạo xương
Canxi: Đây được xem là nguyên liệu tạo xương mới và được bào chế dưới dạng muối carbonat, lactat, gluconat, citrat. Khi lượng canxi trong cơ thể vượt quá mức có thể gây hại cho tim, hệ thống mạch máu và có thể gây sỏi thận…
Vitamin D và các chất chuyển hóa vitamin này: Đây là thuốc thường được kết hợp dùng chung với canxi. Vitamin D giúp sự hấp thu canxi qua niêm mạc ruột vào máu, giúp cơ thể sử dụng canxi hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu như lạm dụng vitamin D sẽ gây ngộ độc cho cơ thể, làm tăng lượng canxi trong máu, nếu kết hợp với giảm phospho máu có thể gây buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy, đau các khớp, sốt cao, chảy máu võng mạc, rối loạn tâm thần, co giật…
Với các thuốc chống hủy xương
Bisphosphonates: Đây là loại thuốc thường được chỉ định ban đầu cho hầu hết bệnh nhân loãng xương.
Nếu biphosphonates không có tác dụng hay có quá nhiều tác dụng phụ thì loại thuốc khác sẽ được sử dụng. Thuốc biphosphonates có nhiều tác dụng phụ như có thể gây viêm loét thực quản (hiếm khi gây thủng) hoặc gây viêm loét dạ dày - tá tràng, gây rối loạn tiêu hóa (đau bụng, khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy nhẹ). Thuốc có thể làm giảm canxi máu do đưa canxi vào việc tạo xương. Ngoài ra, thuốc có thể gây gãy xương nếu dùng lâu dài do thuốc ức chế quá lâu sự hủy xương, giữ nguyên xương cũ già cỗi không được thay thế bằng xương mới tốt hơn nên dễ gãy. Thuốc có dạng tiêm và uống nhưng theo các chuyên gia dược học, nên dùng dạng uống vì có độ an toàn cao hơn.
Estrogen: Là các thuốc làm tăng độ nhạy cảm của hormon estrogen trên xương. Khi tuổi càng cao, hàm lượng hormon estrogen giảm khiến mức độ lắng đọng canxi vào xương cũng theo đó mà giảm đi, nên dùng thuốc trong nhóm này có thể làm tăng mức độ nhạy cảm của các thụ cảm thể estrogen trên xương. Tuy nhiên, cần lưu ý tác dụng phụ trên hệ thống nội tiết như ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú…
Calcitonin: Đây là một hormon có cấu trúc chuỗi gồm 32 acid amin có nhiệm vụ điều hòa chuyển hóa canxi, làm giảm hoạt động của các tế bào hủy xương và tăng hoạt động của tạo cốt bào, do đó chống loãng xương. Khi dùng thuốc, trong thời gian đầu người bệnh có thể bị đau xương trong vài tháng. Ngoài ra, có thể gặp buồn nôn, chán ăn, đau mắt, sưng bàn chân, phát ban hoặc ngứa da…, nguy hiểm hơn có thể xuất hiện triệu chứng cứng cơ, mê sảng, ngất xỉu…
Ngoài ra, trong nhóm thuốc chống hủy xương còn có các thuốc thay thế hormon bao gồm estrogen đơn thuần hoặc estrogen kết hợp với progesteron và hormon cận giáp trạng có tác dụng làm tăng cường hoạt động của tế bào tạo cốt bào. Các rủi ro có thể gặp với những thuốc này là đau đầu, mất ngủ, tiêu chảy, co cứng bụng…
Dùng sao cho đúng?
Muốn sử dụng thuốc ngăn ngừa loãng xương, cần được khám bệnh đầy đủ. Trên cơ sở đó, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc gì, liều lượng và thời gian sử dụng. Chẳng hạn, với thuốc thuộc nhóm bisphosphonat chỉ có tác dụng làm chậm lại quá trình hủy xương và loãng xương chứ không thể chống lại dứt điểm hoàn toàn, khi dùng cần uống nguyên cả viên thuốc (không nhai) khi bụng đói với ly nước đầy vì thuốc rất độc với thực quản, không được ăn uống gì sau 30 phút uống thuốc, không được nằm mà phải ngồi thẳng lưng hoặc đứng thẳng trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc để tránh thuốc bị đọng ở thực quản hoặc tránh tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản thuốc sẽ làm hại niêm mạc thực quản. Với các thuốc estrogen chỉ được áp dụng trong các trường hợp đã xác định rõ sự loãng xương là do sụt giảm hormon nữ nghiêm trọng gây ra và tránh dùng thuốc kéo dài liền 3 tháng. Thuốc calcitonin là một thuốc bổ sung vào các đợt điều trị nên không dùng thuốc đơn độc và không dùng cho người có hội chứng cường giáp.
TS. Đặng Bùi Bảo Linh
(Theo Suckhoedoisong.vn)
Tin liên quan
Những khuyến cáo mới nhất của chuyên gia tim mạch đầu ngành trong dịch COVID-19
Những môi trường nào chứa nhiều vi khuẩn gây hại?
Nhận biết hội chứng đường hầm xương trụ gây teo cơ bàn tay
Người Việt đã thực sự hiểu về Đông y hay chưa?
Siêu vi Corona mới 2019-nCoV: Từ cảm cúm đến suy hô hấp cấp