Ứng dụng laser điều trị suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính
Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức 8 Năm trước
Nguyên nhân gây suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi chưa được xác định rõ ràng nguyên nhân, tuy nhiên người ta thấy rằng có một số yếu tố gây tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên khiến cho máu bị dồn xuống hai chân, tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực dẫn đến ứ máu ở hai chân. Các yếu tố nguy cơ được ghi nhận đó là:
Tuổi: là yếu tố nguy cơ chính. Tỷ lệ suy tĩnh mạch tăng dần theo tuổi. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, ở độ tuổi 70 có tới 70% dân số có suy tĩnh mạch.
Tĩnh mạch bình thường (phải) và tĩnh mạch bị suy giãn (trái).
Di truyền và giới tính: Trong các gia đình có người mắc bệnh suy tĩnh mạch thì khả năng mắc bệnh của thế hệ sau tăng gấp 2 lần và khi cả cha và mẹ đều bị bệnh thì khả năng mắc bệnh của con cái lên tới 89%. Bệnh hay gặp ở nữ cao hơn là nam, có thể gặp cả dạng giãn tĩnh mạch dạng mao mạch (telangiectasia) hay dạng lưới (reticular veins).
Nghề nghiệp: công việc đòi hỏi đứng lâu hay ngồi lâu làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số nghiên cứu thấy rằng, 84% phụ nữ làm việc trong phòng mổ, nhà giặt bị giãn tĩnh mạch. Nguy cơ tăng dần theo thời gian làm việc. Làm việc trong môi trường nóng, nâng vật nặng hay ngồi nhiều làm tăng thêm nguy cơ.
Béo phì: Tình trạng béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh, đặc biệt là ở nữ. Hiện nay, cùng với nhịp sống hiện đại, nhiều người mắc chứng béo phì cũng kéo theo nhiều người mắc bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới.
Cách phát hiện bệnh như thế nào?
Người bệnh thường không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ trong trường hợp giãn tĩnh mạch trong da, giãn tĩnh mạch dạng lưới hay giãn nhẹ thân tĩnh mạch, chủ yếu ảnh hưởng đến thẩm mỹ khiến người bệnh chú ý. Nếu bệnh để lâu và không được điều trị gì dần dần sẽ thấy cảm giác đau, nặng chân nhất là về chiều, tê, nóng rát, ngứa.
Phù chân nhẹ, thường là ở vùng cổ chân, nặng dần về chiều, sau một ngày làm việc, giảm khi nằm kê chân cao, tiếp xúc với lạnh hoặc mang vó thun băng ép. Một số người bệnh thấy các dấu hiệu khác như chuột rút vào ban đêm, cảm giác mỏi chân.
Các thay đổi ở da do biến dưỡng như rối loạn sắc tố da, viêm da hạ bì, chàm hóa, teo da, loét...
Khi có các dấu hiệu đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thêm xét nghiệm siêu âm Doppler màu, siêu âm giúp chúng ta xác định chức năng van của tĩnh mạch hiển, các nhánh xuyên, tĩnh mạch sâu. Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, kết quả chính xác và có thể thực hiện nhiều lần.
Ứng dụng laser trong điều trị
suy tĩnh mạch chi dưới
Trước tiên, cần điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, có thể kết hợp với một loại tất đặc biệt, gọi là “Tất y khoa (hay vó y khoa)” sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh và giảm các triệu chứng.
Phẫu thuật bằng phương pháp Stripping lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn bằng một dụng cụ chuyên dùng cho phép rút các tĩnh mạch và lấy các đoạn tĩnh mạch bị giãn của hệ thống xiên. Tuy nhiên, phương pháp này xâm lấn nhiều và gây đau đớn cho người bệnh cũng như thời gian nằm viện thường kéo dài. Hiện nay, người ta áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch điều trị bằng laser nội mạch có tỷ lệ thành công rất cao, điều trị triệt để được tĩnh mạch bị suy, an toàn, ít tai biến và có tính thẩm mỹ cao.
Laser nội tĩnh mạch là phương pháp mới, ít xâm lấm, thời gian thực hiện và hồi phục nhanh trong điều trị suy - giãn tĩnh mạch nông mạn tính chi dưới. Bác sĩ sẽ luồn sợi dây laser vào trong lòng mạch. Dựa trên nguyên lý chuyển năng lượng ánh sáng laser thành nhiệt tác động lên thành mạch làm hỏng lớp áo trong và áo giữa gây xơ hóa tĩnh mạch, từ đó loại bỏ đoạn tĩnh mạch suy ra khỏi hệ tuần hoàn.
Phương pháp này đặc biệt ý nghĩa trong những trường hợp bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nhưng không thực hiện được vì những yếu tố tâm lý, nguy cơ khi tê tủy sống hay gây mê hoặc loét chân ngay vị trí rạch da khi phẫu thuật.
Sau thủ thuật, bệnh nhân được quấn băng thun ép hoặc mang tất tĩnh mạch trong vòng 5 ngày. Bệnh nhân có thể xuất viện sau 2 giờ và được theo dõi sau điều trị 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị.
Cách phòng ngừa bệnh
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc, mọi người nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều, không nên ngồi liên tục trong thời gian dài, cần đi lại vận động vài phút trong khoảng thời gian làm việc từ 30 - 60 phút. Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp các động tác vận động chân như co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân... để máu lưu thông tốt hơn.
Về chế độ ăn và tập luyện, nên ăn nhiều rau quả, chất xơ, vitamin kết hợp tập thể dục thường xuyên các môn như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, tập dưỡng sinh... Và một điều rất cần thiết, khi có các dấu hiệu của bệnh, cần được khám sớm chuyên khoa mạch máu tại các bệnh viện, tránh để bệnh tiến triển hay có các biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Laser nội mạch được thực hiện ca đầu tiên từ năm 1999, từ đó đến nay phương pháp này đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Các bước sóng laser có thể thực hiện có hiệu quả là 810nm, 940nm, 980nm, 1.470nm. Trong đó, bước sóng được sử dụng phổ biến là 810nm. Tại Việt Nam, bắt đầu nghiên cứu ứng dụng laser nội mạch từ năm 2008, tuy nhiên chưa phát triển mạnh, nhưng đến nay đã có một số trung tâm tim mạch triển khai áp dụng một cách thường quy.
BS. Ngô Tuấn Anh
Theo Sức khỏe & đời sống
Tin liên quan
Những khuyến cáo mới nhất của chuyên gia tim mạch đầu ngành trong dịch COVID-19
Những môi trường nào chứa nhiều vi khuẩn gây hại?
Nhận biết hội chứng đường hầm xương trụ gây teo cơ bàn tay
Người Việt đã thực sự hiểu về Đông y hay chưa?
Rủi ro do thuốc ngừa loãng xương