Thời tiết giao mùa: Cảnh giác viêm phổi cộng đồng
Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức 7 Năm trước
Viêm phổi cộng đồng (VPCĐ) khác với viêm phổi bệnh viện - là viêm phổi do nhiễm khuẩn ở ngoài bệnh viện. VPCĐ được đặc trưng bởi: sốt, rét run, ho khạc đờm, đau kiểu viêm màng phổi và hình ảnh chụp Xquang phổi có ít nhất một ổ tổn thương. 4 loại tổn thương cơ bản thường gặp trong VPCĐ là viêm phổi thùy, phế quản phế viêm, tổn thương phổi kẽ và tổn thương lan tỏa kiểu lao kê.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
|
Ai dễ mắc viêm phổi cộng đồng?
Các yếu tố nguy cơ đối với VPCĐ chủ yếu là: nghiện rượu, hen phế quản, suy giảm miễn dịch và tuổi trên 70. Các yếu tố nguy cơ đối với viêm phổi do phế cầu là: sa sút trí tuệ, co giật, suy tim, tai biến mạch não, hút thuốc lá, rượu, viêm phổi tắc nghẽn, HIV (trường hợp này có nguy cơ cao hơn 40 lần so với người không bị nhiễm HIV ở cùng lứa tuổi), người bị các bệnh miễn dịch (như đa u tủy xương, hội chứng thận hư có lượng globulin máu thấp, cắt lách...). Các yếu tố nguy cơ nhiễm Legionella: nam giới, nghiện thuốc, đái tháo đường, bệnh máu ác tính, ung thư, bệnh thận giai đoạn cuối, HIV. Các yếu tố nguy cơ viêm phổi do vi khuẩn gram âm (bao gồm cả P. aeruginosa): bệnh nhân có các rối loạn về nuốt, tiền sử nằm viện hoặc dùng kháng sinh, giảm bạch cầu, giãn phế nang.
Tác nhân nào gây viêm phổi cộng đồng?
Có 4 tác nhân hay gặp trong VPCĐ, đó là các loại vi khuẩn: phế cầu (Streptoccocus pneumonia) (chiếm khoảng 50% các trường hợp phải nhập viện), Haemophilus influenzae, tụ cầu vàng (Staphyloccocus aureus) và Mycoplasma pneumoniae; một số các vi khuẩn khác cũng có thể gây VPCĐ như Chlamydia pneumoniae, vi khuẩn gram âm ái khí, các chủng virut Influenza, Adenoviruses, các virut hợp bào đường hô hấp và một số nguyên nhân hiếm gặp như: Hanta virut, virut SARS, nấm, các tác nhân khủng bố sinh học: trực khuẩn than, sốt Q, Tularemia, dịch hạch...).
|
Các ngả đường sinh bệnh
Hít phải chất tiết hầu họng có vi khuẩn là đường lây truyền phổ biến nhất. VPCĐ do sặc cũng thường hay gặp ở bệnh nhân có rối loạn nuốt như tai biến mạch máu não, các bệnh lý thần kinh, bệnh nhân có rối loạn ý thức như nghiện rượu, sử dụng các thuốc an thần, bệnh nhân phải gây mê, đặt nội khí quản. Vi khuẩn hay gặp ở các đối tượng này thường là các chủng kỵ khí hoặc gram âm. Một số vi khuẩn lây nhiễm qua không khí, qua đường máu và có thể qua các con đường viêm nhiễm khác trong cơ thể.
Những biểu hiện thường gặp
Các biểu hiện hay gặp nhất thường là sốt, ho (có đờm hoặc không), có cơn rét run, đau ngực, khó thở, đau đầu, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, đau cơ, ý thức chậm (ở người già). Khám lâm sàng có thể thấy nhịp thở nhanh, mạch nhanh. Khám phổi thấy rì rào phế nang giảm, tiếng cọ màng phổi, tiếng ran rít, ẩm, nổ, ngáy.
Chẩn đoán xác định VPCĐ dựa vào các biểu hiện lâm sàng như đã mô tả ở trên cộng với các yếu tố cận lâm sàng khác như chụp Xquang phổi, nhuộm soi, nuôi cấy đờm, cấy máu. Có thể làm thêm một số xét nghiệm đặc hiệu khác như test kháng nguyên nước tiểu tìm phế cầu và các test huyết thanh tìm vi khuẩn gây bệnh khác.
Streptoccocus pneumonia - Vi khuẩn thường gặp nhất trong VPCĐ.
|
Điều trị thế nào?
Liệu pháp kháng sinh là phương thức điều trị cơ bản trong VPCĐ. Lựa chọn kháng sinh dựa vào loại vi khuẩn gây bệnh, hiệu quả trên thực tế lâm sàng, các nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc, các bệnh phối hợp và mức độ nặng của bệnh. Kháng sinh có thể dùng đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch tùy theo mức độ nặng của bệnh. Các kháng sinh thường được sử dụng là nhóm beta lactam (cefpodoxime, cefrozil, ceftriaxone, imipenem...), nhóm quinolone, macrolide, aminoside...
Điều trị phối hợp bao gồm bù nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan, đảm bảo dinh dưỡng, thở ôxy, thở máy nếu bệnh nhân có suy hô hấp nặng.
Biện pháp phòng tránh
Có thể dự phòng làm giảm nguy cơ mắc VPCĐ bằng cách bỏ các thói quen có hại như thuốc lá, uống rượu, điều trị tốt các bệnh mạn tính (tim mạch, hô hấp); điều trị triệt để các rối loạn nuốt ở người già; không dùng kháng sinh tùy tiện gây kháng thuốc và có thể tiêm vắc-xin phòng ngừa trong một số trường hợp như phòng nhiễm vi khuẩn Influenza, phế cầu...
BS. Đỗ Tiến Minh
(Theo Sức khỏe & Đời sống)
Tin liên quan
Những khuyến cáo mới nhất của chuyên gia tim mạch đầu ngành trong dịch COVID-19
Những môi trường nào chứa nhiều vi khuẩn gây hại?
Nhận biết hội chứng đường hầm xương trụ gây teo cơ bàn tay
Người Việt đã thực sự hiểu về Đông y hay chưa?
Rủi ro do thuốc ngừa loãng xương