Việc WHO tuyên bố COVID-19 là Đại dịch có ý nghĩa như thế nào?
Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức 5 Năm trước
Đại dịch là gì?
Đại dịch không liên quan gì tới mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh mà liên quan tới mức độ lây lan của nó theo địa lý. Theo Tổ chức Y tế thế giới, một Đại dịch được tuyên bố là khi một bệnh mới mà con người không có khả năng miễn dịch lan truyền đi khắp thế giới.
Những trường hợp mà du khách nước ngoài bị lây nhiễm bệnh ở Trung Quốc, sau đó lại trở về nước của họ, hoặc những người bị lây nhiễm từ những người di chuyển, gọi là “trường hợp đầu hệ”, không được tính là yếu tố tuyên bố Đại dịch.
Cần phải có làn sóng lây nhiễm thứ hai, từ người sang người thông qua cộng đồng.
Một khi Đại dịch được tuyên bố, nhiều khả năng việc lây nhiễm trong cộng đồng sẽ diễn ra liên tục, các chính phủ và hệ thống y tế phải đảm bảo chuẩn bị cho tình huống đó.
Một Đại dịch, nói cách khác, là sự tăng biến đột xuất các trường hợp nhiễm một căn bệnh nào đó trong một đất nước hoặc cộng đồng.
Khi nào Đại dịch được tuyên bố?
Giáo sư Mary-Louise McLaws, một chuyên gia kiểm soát bệnh truyền nhiễm, từng làm cố vấn cho WHO, cho biết: “Việc tuyên bố Đại dịch không phải lúc nào cũng rõ ràng bởi nó còn phụ thuộc vào mô hình được sử dụng, vốn có thể khác nhau giữa WHO và các tổ chức y tế khác. WHO sẽ là người ra kết luận cuối cùng. Không nhất thiết là dựa trên các con số nhất định về lượng người nhiễm hay tử vong, số quốc gia nhiễm bệnh. Đơn cử, dịch SARS, bùng phát vào năm 2003, không được WHO tuyên bố là Đại dịch, dù lây nhiễm trên 26 quốc gia. Tuy nhiên, dịch bệnh này được ngăn chặn nhanh chóng và chỉ có một số quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Canada".
“Phần lớn WHO làm việc dựa trên nhiều lý do nhưng một phần lý do khi tuyên bố Đại dịch, là coi dịch bệnh đó là nghiêm trọng và không bỏ lỡ mọi triệu chứng của bệnh, có sự yêu cầu tài chính để đối phó và kiểm soát nó” – Giáo sư McLaws cho hay.
WHO tuyên bố Đại dịch COVID-19 và Ý nghĩa của điều này
Hiện nay, COVID-19 đã lan rộng ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italia…
Giám đốc Các bệnh truyền nhiễm và Miễn dịch học thuộc Viện Y tế Menzies, Queensland – Giáo sư Nigel McMillan – nói: “Chúng tôi không muốn tạo sự hoảng loạn về thực phẩm hay dự trữ xăng khi có thể khiến 95% dân số thế giới hoảng loạn. Nhưng Đại dịch có nghĩa là những lệnh cấm du lịch không còn hữu ích nữa mà có ý nghĩa cảnh báo các cơ quan y tế rằng họ cần chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của sự lây lan dịch bệnh. Điều đó có nghĩa các bệnh viện phải chuẩn bị sẵn tình huống đón tiếp một lượng lớn bệnh nhân, dự trữ bất kỳ mọi loại thuốc chống virus và khuyến cáo người dân về việc đã đến lúc họ cần phải suy nghĩ về việc tự cách ly ở nhà khi mắc các dấu hiệu bị bệnh, tránh tụ tập đông người”.
Giáo sư McLaws nói rằng tình huống này sẽ gây khó khăn nhất cho các chính phủ khi khuyến cáo người dân của họ thay đổi hành vi, như từ bỏ hoặc huỷ bỏ các sự kiện lớn vì dịch bệnh. “Những quốc gia có dân số khoẻ mạnh thậm chí cần phải cố gắng hơn để giúp công dân của họ có tinh thần sẵn sàng với dịch bệnh” – giáo sư McLaws tư vấn.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia y tế, phải mất 18 tháng nữa mới có thể tìm ra vaccine chữa trị COVID-19.
Hà Anh
(Theo The Guardian)