Vitamin C có tác dụng với bệnh Covid-19 không?
Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức 5 Năm trước
GNO - Đối với cảm lạnh thông thường, chúng ta thường uống nước cam hay các chế phẩm bổ sung vitamin C để thúc đẩy hệ miễn dịch.
Bổ sung vitamin C giúp tăng khả năng đề kháng chung của cơ thể
Vitamin C còn được gọi là ascorbic acid, trở thành “siêu dưỡng chất thúc đẩy miễn dịch” sau khi nhà khoa học Linus Pauling, người hai lần đoạt giải thưởng Nobel giới thiệu về công dụng của loại vitamin này trong loạt sách của ông từ thập niên 1970.
Tác giả cho rằng hấp thu liều cao vitamin C không những giúp ngăn ngừa cảm lạnh mà còn hiệu quả đối với các bệnh nghiêm trọng hơn như ung thư và bệnh tim mạch.
Tác dụng của vitamin C với bệnh cảm
Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp từ nhiều nghiên cứu phát hành năm 2013, các chế phẩm bổ sung vitamin C giúp giảm thời gian cảm lạnh đối với nhiều người. Theo đó, bổ sung vitamin C có thể giúp rút ngắn thời gian bị cảm khoảng 1 ngày.
Trong nghiên cứu trên, người tham gia bổ sung vitamin C vào các thời điểm khác nhau nhưng đảm bảo hấp thu tối thiểu 200 mg mỗi ngày.
Một số nghiên cứu trên đối tượng chịu áp lực thể chất cao như vận động viên marathon, quân nhân tập luyện ở vùng Bắc cực cho thấy: Người bổ sung vitamin C giảm được một nửa nguy cơ bị cảm lạnh so với người không uống bổ sung. Tuy nhiên, vitamin này không có tác dụng ngăn ngừa cảm lạnh.
Vitamin C có tác dụng với bệnh Covid-19 không?
Bên cạnh đó, cũng không có bằng chứng cho thấy các chế phẩm bổ sung vitamin C có thể giúp ngăn ngừa Covid-19, theo bác sĩ William Schaffner - giáo sư y học dự phòng và bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y khoa Đại học Vanderbilt (Tennessee) chia sẻ với New York Times Parenting. “Vitamin C có tác dụng rất khiêm tốn trong ngăn ngừa Covid-19”, chuyên gia cho biết.
Hiện các nhà khoa học đang thử nghiệm để tìm hiểu liệu bổ sung vitamin C liều cao có thể làm giảm các biểu hiện và cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19 hay không.
Các nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Zhongnan, Đại học Vũ Hán đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng trên 140 bệnh nhân Covid-19 trong tháng 2 qua để xác chứng xem bổ sung liều cao vitamin C qua truyền tĩnh mạch có giúp điều trị hiệu quả hơn không. Nhóm tham gia được truyền 12g vitamin C 2 lần mỗi tuần - mức khuyến nghị vitamin C hàng ngày cho người nam trưởng thành là 90 mg.
Thử nghiệm này sẽ hoàn thành vào tháng 9 và hiện chưa có kết quả, theo ClinicalTrials.gov. Đồng thời, các nhà khoa học Trung Quốc cũng tiến hành nhiều thử nghiệm lâm sàng khác, từ kháng virus cho tới các liệu pháp kháng sinh, y học cổ truyền để điều trị Covid-19.
Vitamin C quan trọng với cơ thể
Dù bổ sung vitamin C không giúp đánh bại bệnh cảm nhưng giữ một số vai trò nhất định và hỗ trợ chức năng miễn dịch của cơ thể - theo báo cáo khoa học năm 2017 trên tạp chí Dinh dưỡng.
Cần bổ sung vitamin C hàng ngày từ thực phẩm để tăng đề kháng cho cơ thể
Vitamin C có chức năng như chất chống oxy hóa, trung hòa các gốc tự do sinh ra từ cơ chế chuyển hóa bình thường của cơ thể do tiếp xúc với các yếu tố bất lợi từ môi trường sống như: tia cực tím, ô nhiễm không khí.
Các gốc tự do này phá hủy tế bào, các mô và chất liệu gene; nếu không được kiểm soát sẽ gây viêm nhiễm bất lợi cho cơ thể.
Ngoài việc đối trị các gốc tự do, vitamin C cũng giúp kích hoạt các men quan trọng trong cơ thể tham gia tổng hợp nội tiết tố và sản xuất collagen - một loại protein trong da và các mô kết nối. Các nội tiết tố này giúp kiểm soát phản ứng của hệ tim mạch với các viêm nhiễm nghiêm trọng, bảo vệ da khỏi các tổn thương.
Vitamin C cũng giúp thúc đẩy các màng mỡ trong da và mô kết nối để bảo vệ các cơ quan như phổi khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Trước sự tấn công của vi khuẩn, vitamin C giúp định hướng các tế bào miễn dịch (bạch huyết cầu) đến vùng viêm nhiễm, bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do.
Nói chung, cơ thể dựa vào vitamin C để thực hiện chức năng miễn dịch hiệu quả.
Hấp thu bao nhiêu vitamin C là đủ?
Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không tự tạo ra hoặc dự trữ vitamin C vì vitamin C tan trong nước - theo Viện Sức khỏe Hoa Kỳ (NIH). Cách tốt nhất để bổ sung vitamin C mỗi ngày cho cơ thể là ăn trái cây, rau củ giàu vitamin C và các thực phẩm có bổ sung vitamin này.
Mức vitamin C cần thiết tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính, tình trạng mang thai và cho con bú nhưng thông thường, mức hấp thu tối thiểu khoảng 90mg mỗi ngày đối với người nam trưởng thành, 75mg với người nữ; riêng người hút thuốc lá nên hấp thu thêm 35mg - theo NIH.
Lưu ý, hấp thu hơn 2.000mg vitamin C mỗi ngày có thể gây nôn ói, tiêu chảy và đau bụng ở nhiều người. Ngoài ra, người nam có tiền sử sạn thận và có mức oxalate cao nên tránh các chế phẩm bổ sung vitamin C vì chất này có thể làm tăng sự hình thành sạn - theo Viện Linus Pauling, Đại học Bang Oregon.
Huệ Trần
(theo Live Science)